Apple M1 vs. Apple A14 Bionic: diện tích lớn hơn, nhân CPU giống nhau nhưng gấp 2 số lượng
Chip Apple A14 Bionic dùng cho thiết bị di động và Apple M1 dành cho máy tính. Kiến trúc nhân xử lý của hai bên gần như nhau, nhưng Apple M1 được thiết kế cho thiết bị có kích thước lớn hơn, nhiều không gian hơn, giới hạn nhiệt độ thoải mái hơn nên có nhiều điều chỉnh nhằm đem lại hiệu năng cao, đáp ứng nhu cầu của người dùng laptop.
Trong cả Apple A14 và M1 đều sử dụng 2 loại nhân CPU: nhân hiệu năng cao được Apple gọi bằng tên mã FireStorm, nhân tiết kiệm điện là IceStorm. Đây là hai nhân được Apple tự thiết kế dựa trên kiến trúc của ARMv8, không phải dùng lại nhân Cortex như nhiều công ty làm chip hiện nay. Việc tự kiểm soát và thiết kế nhân CPU giúp Apple tạo ra một con chip tối ưu cho thiết bị của mình, chạy theo đúng những tính năng họ muốn, hỗ trợ đúng mức hiệu năng mà họ cần.
Chip Apple M1 có 8 giao diện để giao tiếp với RAM DDR, gấp đôi số được hỗ trợ trên chip Apple A14. Số nhân CPU cũng gấp đôi, GPU cũng gấp đôi, và bộ nhớ cache L2 dùng cho nhân Firestorm có dung lượng lớn hơn 1,5 lần. Cache cho nhân IceStorm thì tương đồng giữa Apple A14 và M1.
NPU - Neural Processing Engine, bộ xử lý chuyên dùng cho tác vụ trí tuệ nhân tạo - thì tương đồng giữa hai con chip này.
Diện tích chip của con Apple M1 lớn hơn 1,37 lần so với chip Apple A14, vì hai lý do sau:
- Nhân CPU và GPU của Apple M1 nhiều hơn, cache L2 cũng lớn hơn, và giao tiếp với RAM cũng nhiều hơn
- Chip Apple M1 phải tích hợp thêm nhiều thành phần mà A14 không có, ví dụ như chip bảo mật Apple T2 hay bộ điều khiển các cổng kết nối, cũng như hỗ trợ một số giao tiếp dùng cho máy tính như PCIe
Trang TechInsights cho biết thêm Apple sử dụng lượng bóng bán dẫn nhiều gấp 2,1 lần để làm ra số nhân CPU và GPU nhiều gấp 2 lần trên con Apple M1. Phần bóng bán dẫn dư ra có thể là vì Apple muốn đạt được hiệu năng cao mà một chiếc máy tính cần để hoạt động, nhưng hiện tại chưa có bằng chứng cho việc này, chỉ là dự đoán mà thôi.
Chúng ta biết thêm rằng trên con chip Apple M1 còn được tích hợp bộ xử lý hình ảnh, bộ kiểm soát Thuderbolt 4 của riêng Apple, cũng như controller để điều khiển bộ nhớ, các cổng kết nối nói chung.
TechInsights cũng nghi ngờ rằng Apple triển khai một số tính năng phần mềm thẳng ở tầng phần cứng để chúng chạy nhanh hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn vì có vài khu vực trên chip chưa rõ dùng để làm gì. Cách thức này gọi là “dark silicon” và nó đã xuất hiện từ năm 2013, đây là một cách để nhà thiết kế chip tận dụng các bóng bán dẫn tốt hơn mà không làm tăng mức độ tiêu thụ năng lượng. Nhưng lại một lần nữa, vấn đề này chưa có nhiều thông tin rõ ràng.
TechInsights vẫn đang nghiên cứu thêm con chip này, có gì mới mình sẽ theo dõi và cập nhật cho các bạn xem.
Nguồn: TechInsights
Bạn nghĩ sao ?