Apple xin miễn thuế cho linh kiện Mac Pro làm ở Trung Quốc, Trump nói:
Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ rất muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ và chính sách đe dọa áp thuế quan của Trump đều nhằm mục tiêu thuyết phục các công ty như Apple đưa dây chuyền sản xuất về nhà. Trump một lần nữa nhấn mạnh điều này trước những lời nài nỉ của Apple nhằm miễn thuế quan cho các linh kiện của Mac Pro được làm tại Trung Quốc.
Trên Twitter hôm qua 26 tháng 7, Trump nói: "Apple sẽ không được miễn thuế hoặc hưởng ưu đãi đối với các linh kiện của Mac Pro được sản xuất tại Trung Quốc. Sản xuất chúng tại Mỹ, không dính thuế!"
"Make them in the USA, no Tariffs!"
Lời khẳng định của Trump như một thách thức đối với ngành công nghiệp hiện tại. Vì nhiều lý do, chủ yếu là chi phí nhân công và kỹ năng của lao động nước ngoài trong hoạt động sản xuất các thiết bị điện tử khiến việc Apple đưa dây chuyền sản xuất những sản phẩm như iPhone về Hoa Kỳ là "một giấc mơ xa vời" - Tim Bajarin - nhà phân tích công nghiệp lâu năm tại Creative Strategies nói. Ông nhấn mạnh: "Điều này sẽ không xảy ra".
iPhone XS Max hiện có giá đến 1100 USD và nếu sản xuất tại Mỹ, nó sẽ có giá trên 2000 USD. Trump đe dọa đánh thuế nhập khẩu 25%, như vậy mỗi chiếc iPhone XS Max sẽ phải gánh thêm ít nhất 250 USD, chi phí này hoặc Apple chịu hoặc người dùng phải trả trên giá bán sản phẩm.
Các đối thủ chính của Apple như Samsung hiện đang sản xuất điện thoại Galaxy tại nhiều nơi như Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Brazil, Indonesia và Trung Quốc. Google cũng làm Pixel ở Trung Quốc, Amazon là loa Echo ở Trung Quốc, nói chung hầu hết sản phẩm công nghệ tiêu dùng được làm ở Trung Quốc.
Trước đây Apple từng công bố sẽ mở nhà máy tại Austin, Texas để sản xuất máy tính Mac cao cấp nhưng gần đây hãng đã thay đổi ý định, tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc. Hồi tháng 1, New York Times đã chỉ ra nhiều vấn đề mà Apple gặp phải khi sản xuất Mac tại Texas trong đó đáng chú ý là một loại ốc vít đặc biệt chỉ có thể đặt hàng sản xuất số lượng lớn ở Trung Quốc. Rất nhiều linh kiện của sản phẩm Apple được sản xuất tại Trung Quốc, không chỉ ốc vít mà còn nhiều thứ khác như màn hình, chip, bộ nhớ ...
Xu hướng dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc: đến Foxconn còn ngã ngựa!
Sridhar Tayur - giáo sư tại trường kinh doanh Tepper thuộc đại học Carnegie Mellon cho biết: "Mức thuế áp đặt khó có thể đưa các nhà cung ứng bán sỉ đến Mỹ." Ông lưu ý rằng hiện tại đang có một xu hướng đó là nhiều công ty đã dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc và tìm đến những nơi khác do sự gia tăng về chi phí lao động, các vấn đề về nhân quyền và môi trường.
Bajarin nói rằng Việt Nam có thể được hưởng lợi bởi nhiều công ty nước ngoài được hưởng thuế suất ưu đãi để kinh doanh tại đây. Ngoài ra Mexico cũng là một địa điểm tốt, chẳng hạn như GoPro đã chuyển hoạt động sản xuất từ Hoa Kỳ sang quốc gia láng giềng này hồi tháng 6 trong khi vẫn duy trì hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
Foxconn - đối tác sản xuất iPhone cho Apple có trụ sở tại Thâm Quyến gần đây đã tuyên bố sẵn sàng mở nhà máy tại những quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tập đoàn này cũng gây chú ý vào mùa hè năm ngoái khi làm việc với Trump và khởi công xây dựng một nhà máy tại tiểu bang Wisconsin chuyên sản xuất tấm nền TV. Foxconn nói sẽ chi 10 tỷ USD cho nhà máy này và tạo ra 13.000 việc làm. Bản thân tiểu bang Wisconsin cũng tạo điều kiện cho Foxconn khi trợ cấp cho công ty một khoản tiền trị giá 3 tỉ USD đầy tranh cãi.
Thế nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa được xây dựng, theo USA Today thì nhà máy "sẽ nhỏ hơn đáng kể và chi phí xây dựng thấp hơn so với quy mô theo hợp đồng ban đầu được Foxconn ký kết với tiểu bang Wisconsin."
Tayur nói rằng dựa trên những gì Foxconn đang thể hiện với nhà máy tại Wisconsin thì có thể thấy không dễ để một nhà thầu phụ chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Mỹ. Ông nói: "Nếu Foxconn không làm được thì tôi không nghĩ các công ty khác có thể làm được."
Theo: USA Today
Bạn nghĩ sao ?