Epic vs Apple: Tòa án Mỹ đứng về phía Epic Games, Apple phải nới lỏng quy định App Store

Theo tuyên án, Apple phải cho phép các nhà phát triển ứng dụng gửi thông tin và định hướng người dùng sang những giải pháp thanh toán khác ngoài App Store khi mua đồ ảo dưới dạng In App Purchase.

 0
Epic vs Apple: Tòa án Mỹ đứng về phía Epic Games, Apple phải nới lỏng quy định App Store

Đây là một phần chiến thắng dành cho Epic Games, nhà phát triển tựa game Fortnite, cũng như nhiều đơn vị khác có chung lo ngại về việc Apple đang chiếm độc quyền hệ thống thanh toán ứng dụng trên hệ sinh thái iOS.

Sở dĩ nói đây chỉ là một phần chiến thắng, bởi vì thẩm phán Rogers hoàn toàn không yêu cầu Apple cho phép các nhà phát triển ứng dụng tự triển khai hệ thống thanh toán riêng cài thẳng vào từng ứng dụng để qua mặt hệ thống thanh toán của App Store và cùng lúc qua mặt khoản tiền chia sẻ doanh thu từ 15% đến 30% cho mỗi giao dịch thông qua ứng dụng iOS. Đây là yêu cầu lớn nhất của Epic khi khởi kiện Apple. Nói cách khác, thẩm phán tòa án Mỹ không hoàn toàn đứng về phía Epic Games. CEO Tim Sweeney vừa cho biết, Epic sẽ kháng cáo quyết định này, và nói rằng phán quyết của tòa “không phải là một chiến thắng dành cho các nhà phát triển và người tiêu dùng.”

Ở một phần khác của phán quyết, bà Rogers và bồi thẩm đoàn cho rằng Epic Games rõ ràng đã vi phạm quy định phát hành ứng dụng trên App Store với hệ thống thanh toán qua mặt App Store, và yêu cầu Epic phải trả lại đủ 30% phí chia sẻ doanh thu cho Apple dựa trên số doanh thu mà họ kiếm được từ hệ thống thanh toán ngoài ấy, khoản tiền hơn 3.5 triệu USD.

Bà thẩm phán Rogers mô tả phán quyết này là một cách để yêu cầu Apple có những thay đổi mang tính “chừng mực”. Các nhà phân tích cho biết tác động của phán quyết này có thể phụ thuộc rất nhiều vào cách Apple tuân theo. Về cơ bản, tuần trước Apple đã có quyết định cho phép các ứng dụng “xem nội dung số” như Amazon Kindle hay Netflix được thông báo cho người dùng về những giải pháp thanh toán ngoài App Store, và phán quyết của bà Rogers yêu cầu Apple mở rộng thay đổi ấy cho toàn bộ các dev, toàn bộ các dạng ứng dụng khác đang phân phối trên chợ ứng dụng của iOS. Trong số này bao gồm cả những nhà phát triển game, những cỗ máy in tiền trên App Store, nền tảng của mảng dịch vụ trị giá 53.8 tỷ USD của Apple.

Phán quyết này giống hệt như cái nút thanh toán mua V-Buck giá rẻ hơn so với thanh toán qua App Store trong Fortnite, thứ đã khiến Apple gỡ Fortnite khỏi App Store, ngòi nổ khiến toàn bộ vụ kiện diễn ra.

Như đã nói, đây chỉ là một phần chiến thắng dành cho Epic Games, vì thẩm phán Rogers hoàn toàn không yêu cầu Apple phải cho phép những chợ ứng dụng của bên thứ 3 mở ra phục vụ người dùng iOS, hay những yêu cầu khác mà Epic Games đưa ra trong đơn kiện. Mà thực tế, tòa án đứng về phía Apple trong khá nhiều khía cạnh của vụ kiện, ví dụ như xác định thị trường độc quyền dựa trên những giao dịch trong game. Tòa bác bỏ lập luận của Epic Games, cho rằng iPhone là thị trường ứng dụng độc quyền của riêng Apple. Nhưng ở khía cạnh ngược lại, thẩm phán Rogers cho rằng Apple, dù không phải đơn vị độc quyền, nhưng cũng đã và đang vi phạm luật cạnh tranh của bang California với quy định “cấm định hướng khách hàng” sang những giải pháp thanh toán khác.

Hệ quả của phán quyết này có thể sẽ giống như hiệu ứng gợn sóng, dẫn tới những thay đổi rất lớn mà Apple sẽ phải đối mặt trong tương lai gần. Lấy ví dụ các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu chẳng hạn, họ đang viết những dự thảo luật để giới hạn mức độ quyền lực của Apple có thể áp lên App Store. Thậm chí Bộ tư pháp Mỹ cũng đang có kế hoạch điều tra chống độc quyền đối với Apple. Và quyết định mới nhất của tòa án Mỹ đến ngay sau khi phía quốc hội Hàn Quốc thông qua luật cấm các cửa hàng ứng dụng như Google Play Store hay App Store ép các nhà phát triển ứng dụng phải dùng hệ thống thanh toán của họ. Vì thế chắc chắn đối với Apple, xong vụ kiện này, họ vẫn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực, không chỉ từ phía đối tác hay các dev, mà còn cả bộ máy chính trị nhiều nước nữa.

Còn đối với Epic Games nói riêng và ngành dev game mobile nói chung, hệ quả của phán quyết này thực tế cũng khác biệt rất nhiều phụ thuộc vào quy mô và mức độ thành công của một trò chơi. Chẳng hạn lớn như cỡ Fortnite thì hoàn toàn có thể định hướng người dùng sang những giải pháp thanh toán khác, còn những trò chơi nhỏ hơn, ít người chơi hơn thì sẽ rất khó thuyết phục người dùng, rất khó để việc chọn giải pháp thanh toán khác thực sự tạo ra lợi ích về mặt doanh thu và lợi nhuận.

Theo Reuters

Bạn nghĩ sao ?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow

Macplanet Trang tin tức số 1 dành cho các tín đồ của Apple!