MacBook Air vs. MacBook Pro mới: khác biệt ở quạt tản nhiệt; số nhân GPU tuy cùng sử dụng Apple M1

Hơi lạ khi MacBook Air và MacBook Pro 13" mới có cấu hình rất giống nhau: cùng là chip Apple M1 mới, nhưng hai máy lại có mức giá chênh lệch khá nhiều: $999 vs. $1299. Không lẽ chỉ vì thiết kế khác nhau và thêm cái Touch Bar mà sự khác biệt nhiều vậy sao? Hóa ra sự khác biệt còn nằm ở nhiều chỗ hơn nữa: quạt, và chính con chip Apple M1 cho hai máy này cũng khác nhau.

 0
MacBook Air vs. MacBook Pro mới: khác biệt ở quạt tản nhiệt; số nhân GPU tuy cùng sử dụng Apple M1

Quạt là điểm khác biệt lớn


Đầu tiên là quạt tản nhiệt. Trên MacBook Air 13" mới, Apple không sử dụng quạt tản nhiệt, đây là cơ chế tản nhiệt thụ động gần giống như cách mà thiết bị di động tản nhiệt. Trong khi đó, MacBook Pro 13" có quạt làm mát giống như nhiều chiếc laptop truyền thống (Apple gọi là làm mát chủ động - active cooling). Có một điều thú vị, đó là điểm dày nhất của MacBook Air là 1,61cm, tức dày hơn cả điểm dày nhất của MacBook Pro mới là 1,56cm.

Không chỉ riêng với chip M1 mà các CPU hiện đại ngày nay đều có khả năng hoạt động nhanh hơn, hiệu năng cao hơn khi được làm mát tốt hơn. Các con chip ngày nay có thể tăng xung nhịp của nhân xử lý lên rất cao, lên mức 3-4GHz, cho tới khi chúng chạm một ngưỡng nhiệt độ nhất định thì sẽ giảm xung lại và hoạt động chậm hơn để giảm nhiệt lượng tỏa ra. Nếu bạn làm mát cho CPU đủ tốt, chúng có thể duy trì việc hoạt động ở mức hiệu năng cao trong thời gian dài hơn so với việc không được làm mát.

Apple xác nhận với trang The Verge rằng chip Apple M1 trong MacBook Air, MacBook Pro và Mac Mini mới hoạt động theo cách tương tự. 3 dòng máy này dùng chung bộ xử lý với nhau (thật ra có khác một chút, sẽ nói tới sau), tức là theo lý thuyết chúng sẽ chạy được ở cùng tốc độ với nhau, nhưng nhờ quạt của MacBook Pro và Mac Mini nên chip Apple M1 trong 2 chiếc máy này có thể chạy ở mức hiệu năng cao trong thời gian dài hơn so với MacBook Air.

Điều này là hợp lý vì người dùng MacBook Pro, Mac Mini thường phải làm những việc nặng hơn so với MacBook Air, ví dụ như xuất phim 4K, chỉnh sửa hàng loạt ảnh hoặc các ảnh độ phân giải rất cao, thậm chí là chạy máy ảo, biên dịch code, chạy các tác vụ machine learning, phần mềm kĩ thuật… Với những tác vụ này, hiệu năng cao hơn sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi để ra được kết quả.

Ngoài ra con chip Apple M1 cũng khác nhau nữa nhé!

Nghe lạ đúng không? Ủa cùng là chip M1 mà sao khác nhau được.

Thật ra là có đấy, và nó cũng đã xuất hiện từ lâu trong thế giới chip, bán dẫn. Có một khái niệm gọi là chip binning, hay CPU binning. Vi xử lý được sản xuất từ các tấm wafer silicon và đây là một quá trình sản xuất đòi hỏi độ chính xác cực cao. Tấm wafer hình tròn cỡ lớn được xử lý bằng nhiều vật liệu và được in quang khắc vi mạch theo kiến trúc vi xử lý đã thiết kế. Quá trình sản xuất còn có nhiều khâu như bắn phá bằng chùm ion năng lượng cao, sửa cấu trúc tinh thể và tạo ra một lớp silicon oxide trong lò hấp rồi lại đưa vào buồng chân không để lắng đọng thêm một lớp đồng và khắc các lớp kim loại hay oxide bằng acid mạnh.

Với hàng tá các khâu xử lý phức tạp, thời gian xử lý có khi ngắn chỉ vài giây có khi dài trong khi điều kiện xử lý có thể rất khắc nghiệt như nhiệt độ cao, môi trường acid cao, chưa kể là khiếm khuyết về vật liệu … và đế chip thì lại quá nhỏ thành ra những khác biệt trên đế chip xuất hiện. Sẽ có những đế chip cực tốt nhưng cũng có những đế kém chất lượng. Những đế chip này được đưa vào một quy trình kiểm tra và sàng lọc rồi phân loại dựa trên hiệu năng của nó.

CPU Core i9, i7, i5, i3 ra đời cũng dựa trên sự sàng lọc này. Chẳng hạn như dòng Core i5, nếu một con CPU thành phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra thì Intel sẽ "bin" nó thành một con Core i3.


Quay trở lại với dòng chip Apple M1:

    • Trên chiếc MacBook Air cấu hình thấp nhất giá $999, nó chỉ có 7 nhân GPU thay vì 8 nhân, đây chính là những con chip “yếu hơn” được phân loại ra trong quá trình binning. Apple cố tình vô hiệu hóa 1 nhân GPU để chip giữ được hiệu năng đủ tốt
    • Nhưng chiếc MacBook Air cấu hình cao giá $1249 lại có đầy đủ 8 nhân GPU
    • Chiếc MacBook Pro 13" khởi điểm $1299 có đầy đủ 8 nhân GPU

Hãy nhìn vào tấm hình trên, đây là slide giới thiệu chip Apple M1. Họ nói là “tối đa 8 nhân”, chứ không phải chip M1 nào cũng có 8 nhân nhé.



Một số điểm khác biệt khác:

  • Ngoài ra MacBook Pro 13" có dung lượng pin to hơn so với MacBook Air (58.2Wh vs. 49.9Wh), đây là lý do chính dẫn đến việc Pro 13" có thời gian dùng pin lên tới 20 tiếng trong khi Air chỉ 18 tiếng
  • Màn hình của MacBook Pro 13" có độ sáng cao hơn (500 nit vs 400 nit)
  • MacBook Pro 13" có Touch Bar thay vì hàng phím Fn vật lý trong khi MacBook Air không có, nhưng cả hai đều sở hữu cảm biến vân tay.


Hiện tại dung lượng RAM tối đa mà chip Apple M1 có thể đảm đương là 16GB, nên bạn sẽ không thể tìm thấy tùy chọn cấu hình cao hơn. Thật ra 16GB là đủ dùng cho đa số mọi người rồi nên đoạn này không cần lăn tăn.

Nguồn: The Verge

Bạn nghĩ sao ?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow

Macplanet Trang tin tức số 1 dành cho các tín đồ của Apple!