Việc không bán kèm củ sạc giúp Apple cắt giảm 861 nghìn tấn kim loại
Apple cho biết việc họ ngừng bán củ sạc đi kèm trên các chiếc iPhone 12 sẽ giúp cắt giảm sử dụng 861 nghìn tấn kim loại như đồng, kẽm và thiếc. Bên cạnh đó, việc không có củ sạc cũng làm cho hộp iPhone trở nên nhỏ gọn và vận chuyển hiệu quả hơn, mỗi pallet vận chuyển giờ đây có thể chở thêm tới 70% số lượng hộp iPhone.
Trong báo cáo về các vấn đề môi trường năm nay của Apple, họ cũng nói rằng đã thành công trong việc cắt giảm lượng phát thải CO2 từ 25.1 triệu tấn trong năm 2019 xuống còn 22.6 triệu tấn, năng lượng sử dụng để vận hành công ty cũng đã giảm 13.9 triệu kWh. Phó chủ tịch mảng môi trường, chính sách và xã hội của Apple, Lisa Jackson nói rằng họ muốn giảm lượng phát thải khí carbon ra môi trường và năm 2020 đã phần nào đánh dấu sự thành công. Các sản phẩm của Apple đang sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn, chẳng hạn như MacBook Air có tới 40% thành phần được làm từ vật liệu tái chế và các sản phẩm như iPhone 12 hay Apple Watch Series 6 sử dụng tới 99% vonfram tái chế.
Apple có một phòng thế nghiệm tái chế vật liệu ở Texas, nơi họ dùng để thu hồi và sử dụng lại các kim loại như các nguyên tố đất hiếm, thép hay vonfram từ các chiếc iPhone cũ. Theo thống kê, một tấn linh kiện cũ được robot Daisy của họ tháo ra khỏi iPhone chứa một lượng vàng và đồng tương đương với việc khai thác 150 tấn quặng. Apple cũng cho hay họ đã chôn lấp 39.000 tấn rác thải điện tử vào năm ngoái.
Chip Apple M1 mới được thiết kế để sử dụng điện năng một cách hiệu quả hơn. Apple cho biết việc sử dụng con chip Apple M1 có thể giảm lượng khí thải carbon do tiêu thụ điện xuống tới 34%. Trong 12 năm qua, nhìn chung Apple đã giảm hơn 70% mức độ sử dụng năng lượng trung bình trong các sản phẩm của họ. Những nỗ lực này cũng được Apple áp cho các chuỗi cung ứng của họ, khi mà 110 nhà cung ứng linh kiện lớn nhỏ của Apple cũng cam kết sử dụng năng lượng sạch cho hệ thống của họ.
Theo Engadget
Bạn nghĩ sao ?