Bí mật hiệu năng chip M1 trở thành dự án mã nguồn mở, đặt nền móng cho tương lai của máy tính ARM
Đây là thành quả nghiên cứu của Maynard Handley, người từng làm việc tại Apple, một trong những kiến trúc sư trưởng phát triển multimedia framework nổi tiếng, Apple Quicktime.
Sau khi đảo ngược thiết kế chip M1 của Apple, ông cùng nhiều kỹ sư khác đã đăng tải tài liệu kỹ thuật rất dài và chi tiết, mô tả lý do vì đâu chip Apple M1 lại có hiệu năng đáng nể đến như vậy, nếu đem so với điện năng tiêu thụ.
Nếu hứng thú bạn có thể đọc tài liệu dài 350 trang của dự án mã nguồn mở M1 Exploration tại đây.
Trong tài liệu này, cơ chế vận hành của con chip kiến trúc ARM đã và đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Gần 1 năm trước, M1 được ra đời, trang bị trên hai thế hệ MacBook Pro và Air ra mắt cuối năm 2020. Con chip xử lý ARM này không chỉ gây ấn tượng với người dùng, mà còn bỏ xa luôn cả hiệu năng của những sản phẩm đến từ các công ty đối thủ cạnh tranh. Chìa khóa đạt được điều này chính là cách M1 tạo ra hiệu năng đáng nể, trong khi vẫn giữ mức tiêu thụ điện vô cùng tiết kiệm.
Điều không thể xảy ra nếu xét đến mô hình kinh doanh của Apple, đó là việc tập đoàn này bán bản quyền sở hữu trí tuệ chip M1 cho những hãng khác. Nhưng với tài liệu mã nguồn mở này, chưa biết chừng đây sẽ là nền móng cho sự phát triển của máy tính trang bị chip ARM trong tương lai. Nội dung của tài liệu ấy đủ chi tiết và cụ thể, tới mức các nhà phát triển hay kỹ sư cũng có thể dựa vào đó để nghiên cứu, đảo ngược thiết kế chip M1, từ đó phát triển những sản phẩm với hiệu năng tương tự. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển những con chip giống M1, mà nhờ tài liệu này, có thể trong tương lai những thiết bị trang bị chip M1 cũng có thể chạy những hệ điều hành khác ngoài macOS.
Bản thân việc đảo ngược thiết kế cũng là một vùng xám của sở hữu trí tuệ, và hiện tại chưa rõ Apple có để yên cho dự án này tiếp tục phát triển hay không. Bản thân dự án M1 Exploration cũng mới đang dừng lại ở bản 0.70, và vẫn còn rất nhiều chi tiết xoay quanh cơ chế vận hành của M1 mà người ngoài chưa nắm rõ hết, biến con chip này trở thành mục tiêu nghiên cứu rất tiềm năng của Handley cùng những cộng tác viên khác.
Theo Digital Trends
Bạn nghĩ sao ?