Chi phí sản xuất vi xử lý tùy biến Apple Silicon cho máy tính Mac thế hệ mới vào khoảng 100 USD/CPU
Tại WWDC năm nay thì Apple đã công bố Apple Silicon đánh dấu lần chuyển dịch lớn thứ 3 từ nền tảng vi xử lý Intel x86 sang giải pháp vi xử lý kiến trúc ARM do hãng tự phát triển.
Việc chuyển đổi này không chỉ mang lại khả năng kiểm soát tốt hơn về hiệu năng, điện năng của vi xử lý từ đó mang lại trải nghiệm tối đa cho người dùng mà Apple còn tăng khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng, khiến giá thành của mỗi con chip sẽ ở mức 100 USD.
Đây là mức giá dự đoán của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce sau khi phân tích các kế hoạch sản xuất vi xử lý tùy biến trong tương lai của Apple. TrendForce còn dự đoán về thời điểm phát hành cũng như các khoản chi phí tiết kiệm được giúp Apple có thể tăng trưởng.
Theo đó Apple sẽ dồn toàn lực cho các kế hoạch phát triển và sản xuất vi xử lý cho Mac. Không loại trừ khả năng công ty sẽ chuyển hoàn toàn sang vi xử lý tự làm, thay thế thế giải pháp của Intel trên toàn bộ các sản phẩm của mình. Quá trình chuyển dịch sẽ khởi đầu vào đầu năm 2021 khi TSMC khởi động dây chuyền và đến nửa sau năm 2021 thì những vi xử lý mới sẽ ra lò.
Những vi xử lý tùy biến cho Mac sẽ sử dụng node tiến trình 5nm của TSMC và chi phí dự đoán cho mỗi con chip là 100 USD. Thử so sánh thì Core i3 sản xuất trên tiến trình mới nhất của Intel là 10nm (tương đương TSMC 7nm) sẽ có chi phí sản xuất 200 đến 300 USD trên thị trường và mức giá này sẽ cao hơn với những con CPU cao cấp như i5, i7 … Theo nhà phân tích Jim Suva đến từ Citigroup thì Apple có thể sẽ tiết kiệm đến nửa tỉ đô nếu chuyển hoàn toàn sang vi xử lý tùy biến cho Mac với chi phí cắt giảm được trên mỗi chip khoảng 50 USD.
Nếu TSMC tiếp nhận các đơn hàng làm vi xử lý cho Apple trên tiến trình 5nm vào năm nay thì điều này sẽ dẫn đến chậm trễ các đơn hàng của AMD hay Nvidia do hạn chế về sản lượng. TSMC hiện đang là đối tác sản xuất duy nhất CPU và GPU cho AMD và đối với Nvidia là GPU. Cả 2 công ty này đều đang cạnh tranh nhau trên một thị trường mà ngoài họ thì không có thêm đối thủ nào. Trong khi đó, Intel dù cạnh tranh trực tiếp với AMD ở mảng CPU nhưng Intel lại tự sản xuất trên tiến trình của mình. Tuy nhiên, trong tương lai thì Intel có thể sẽ thuê TSMC sản xuất GPU như dòng Xe HP DG2.
Trở lại với kế hoạch của Apple thì vi xử lý tùy biến đầu tiên này đóng vai trò tối quan trọng bởi lẽ: nó không chỉ thể hiện sự thành thạo của Apple trong khâu thiết kế vi xử lý hiệu năng cao dành cho những tác vụ, nhu cầu sử dụng rất khác so với vi xử lý cho iPad hay iPhone mà nó còn đóng vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp máy tính, một con chip tham chiếu cho kiến trúc của ARM để tương lai có thể thay thế cho vi kiến trúc x86 truyền thống hiện vẫn thống trị trên sản phẩm tiêu dùng như máy tính cá nhân cho đến những hệ thống doanh nghiệp, máy chủ. Nếu Apple thực hiện thành công bước chuyển đổi này thì Apple Silicon có thể sẽ phá vỡ một ngành công nghiệp vốn không nhiều tay chơi mới bởi tính chất độc quyền về thiết kế sản phẩm của nó.
Bạn nghĩ sao ?