Liên minh Châu Âu mở 2 cuộc điều tra App Store và Apple Pay về vấn đề độc quyền

Ủy ban châu Âu vừa chính thức mở hai cuộc điều tra chống độc quyền đối với hai dịch vụ của Apple, App Store và Apple Pay, nguồn tin của Financial Times cho biết.

 0
Liên minh Châu Âu mở 2 cuộc điều tra App Store và Apple Pay về vấn đề độc quyền

Cuộc điều tra thứ nhất, liên quan tới chợ ứng dụng App Store được bắt đầu sau khi Spotify gửi đơn kiến nghị vào tháng 3/2019, và sau đó đến lượt Rakuten Kobo, công ty sản xuất thiết bị đọc sách và ebook của Canada cũng khiếu nại về việc Apple đòi 30% doanh thu của mọi tài khoản đăng ký dịch vụ của Kobo qua App Store trong năm đầu tiên, rồi từ năm thứ 2 trở đi là 15% doanh thu. Cũng trong khoảng thời gian ấy, cả Spotify lẫn Kobo đều khiếu nại rằng Apple cũng có dịch vụ nghe nhạc và đọc ebook riêng của họ, và được quảng cáo rất rầm rộ. Liên minh châu Âu sẽ điều tra làm rõ xem liệu Apple có làm khó cho các đối thủ cạnh tranh thông qua những quy định của App Store hay không.


Cái gọi là “thuế App Store”, theo một vài con số ước tính, giúp Apple thu về hơn 1 tỷ USD mỗi tháng. Hồi tháng 1 vừa rồi, Apple tuyên bố kỷ lục 386 triệu USD người dùng chi tiêu trên App Store chỉ trong một ngày 01/01. Nếu áp khoản chi phí mà các đơn vị phát hành game, ứng dụng và nội dung số phải đóng cho Apple để được phân phối tác phẩm của họ trên App Store, con số có thể lên đến 50 đến 100 triệu USD chỉ trong ngày hôm ấy.

Cuộc điều tra thứ hai thì liên quan trực tiếp tới Apple Pay. Đại diện liên minh châu Âu sau cuộc điều tra sơ bộ cho biết: “Ủy ban có lo ngại rằng những quy định của Apple có thể bóp méo quá trình cạnh tranh giữa những dịch vụ stream nhạc số trên các thiết bị của Apple.” Họ cho biết thêm, vì các đối tác/đối thủ buộc phải sử dụng hệ thống chi tiêu tích hợp trong hệ sinh thái sản phẩm Apple, họ có “toàn quyền kiểm soát mối quan hệ giữa người dùng với các đối thủ cạnh tranh.”

Margrethe Vestager, quan chức ủy ban châu Âu đảm trách vấn đề cạnh tranh cho rằng: “Apple tự đặt ra luật lệ để phân phối ứng dụng cho người dùng iPhone và iPad. Có vẻ như Apple đang cố đóng vai trò chặn cổng.”


Trên lý thuyết, ủy ban châu Âu có thể đưa ra hình phạt tối đa là 10% doanh thu toàn cầu của Apple nếu cuộc điều tra của họ đi đến kết luận Apple cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm luật cạnh tranh công bằng, nhưng các đối thủ của Apple lại nói rằng họ quan tâm tới những cách bồi thường thiệt hại khác. Một vị cố vấn nói với một đối thủ giấu tên của Apple: “Trường hợp của Google cho thấy những án phạt tiền mặt chỉ tác động đến doanh thu mà chẳng có chút tác động gì khiến họ thay đổi phương thức kinh doanh. Những án phạt như thế này hoàn toàn không giúp ích được gì cho đối thủ của Apple lẫn người tiêu dùng.”

Tại châu Âu, người dùng App Store trên iPhone và iPad đã chi tiêu 3,9 tỷ USD, nếu tính cả nước Anh là 4,8 tỷ USD trong năm 2019 (số liệu của Sensor Tower). Con số của cả lục địa già vẫn còn kém xa doanh thu của ba quốc gia đơn lẻ: Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, với doanh thu từ App Store trong năm 2019 lần lượt là 16,4 tỷ, 15,4 tỷ và 10,2 tỷ USD.


Apple thì vẫn luôn cho rằng, họ tuân thủ nghiêm túc luật lệ đã được đặt ra và khuyến khích sự cạnh tranh: “Thật thất vọng khi ủy ban châu Âu dựa vào những khiếu nại vô căn cứ từ những công ty đơn lẻ chỉ muốn miễn chi phí kinh doanh thay vì chơi theo luật như tất cả những công ty khác.” Trong quá khứ, Apple đã bào chữa cho “thuế App Store” rằng các công ty hoàn toàn có thể bán dịch vụ của họ mà không thông qua App Store, nhưng nền tảng phân phối ứng dụng này là con đường ngắn nhất để đến với hàng tỷ người dùng thiết bị của Apple trên toàn thế giới.

Bản thân doanh thu mảng dịch vụ đang có đà đi lên của Apple là thứ rất quan trọng đối với họ, giữa lúc doanh số iPhone đang trên đà sụt giảm. Doanh thu mảng dịch vụ của Apple giờ chiếm 18% tổng doanh thu cả năm, chỉ xếp sau chính doanh thu từ iPhone. Những dịch vụ bao gồm chi phí các đơn vị phải trả cho Apple qua App Store, dịch vụ Apple Music, Apple TV+, iCloud và AppleCare đạt ngưỡng 46,3 tỷ USD. Không chỉ có tốc độ tăng trưởng đáng nể hơn hẳn những mảng phần cứng khác, tỷ trọng lãi suất của mảng dịch vụ cũng rất cao, từ 55% trong năm 2017 lên đến 64% trong năm 2019. Tỷ trọng lãi suất mảng phần cứng của Apple chỉ đạt mức 32%.

Bạn nghĩ sao ?

like

dislike

love

funny

angry

sad

wow

Macplanet Trang tin tức số 1 dành cho các tín đồ của Apple!